Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Nghiên cứu tế bào gốc tự thân trong điều trị bại não ở trẻ em: Hy vọng về một tương lai tươi sáng

GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm - Chủ nhiệm đề tài nói rõ hơn về căn bệnh bại não ở trẻ em: “Bại não là căn bệnh phổ biến, là bệnh mà trước nay chưa chữa được. Nó là bệnh mà chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cho nên không phải chúng ta đâu, cả thế giới người ta đều trăn trở, người ta muốn tìm ra một phương pháp gì đó hiệu quả hơn để mà điều trị căn bệnh này. Chính vì thế, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu về cơ chế sinh bệnh và đã bắt đầu ghép tế bào gốc ở động vật. Qua nghiên cứu thấy làm như vậy có tác dụng, tức là nó làm hồi phục các tế bào não, đồng thời làm các triệu chứng co cứng, mất vận động phục hồi trở lại. Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân bại não nên hiểu được sự thống khổ của các gia đình có con bị bại não - đó là lý do mà chúng tôi thực hiện đề tài này”.

GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm - Chủ nhiệm đề tài đang kiểm tra bệnh nhân.

GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm - Chủ nhiệm đề tài đang kiểm tra bệnh nhân.

Bệnh bại não vốn là căn bệnh không thể chữa trị bởi tổn thương nằm trong não, phần lớn gặp phải trong quá trình sinh nở trẻ bị ngạt. Nếu phương pháp điều trị cũ chỉ tập trung vào phục hồi chức năng như nắn bóp, châm cứu hiệu quả thấp thì ở phương pháp mới - Ghép tế bào gốc tự thân đã mang lại những thay đổi nhanh chóng cho trẻ cả về chức năng vận động và khả năng nhận thức. Tuy vậy, khi triển khai đề án này, nhóm các nhà nghiên cứu đã gặp không ít khó khăn.

GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm - Chủ nhiệm đề tài còn cho biết thêm: “Để được như chặng đường này là một chặng đường dò dẫm, nghiên cứu vừa thăm dò, vừa làm với một tâm trạng rất là lo lắng. Bởi vì có thể nói đây là lần đầu tiên chúng ta sử dụng phương pháp này ở Việt Nam. Chúng ta cũng chưa xác định được con đường nào là con đường tốt nhất. Liều lượng nào là tốt nhất, có những biến chứng gì có thể xảy ra khi mà tiến hành ghép tế bào gốc, chúng ta cũng chưa thể lường hết được. Vì đây là vấn đề mới cho nên rất nhạy cảm, có thể nói nhóm nghiên cứu vừa tiến hành, vừa nghe ngóng, vừa thăm dò và dần dần để chúng ta điều chỉnh và hoàn thiện dần phương pháp điều trị này.

Về vấn đề này, TS. Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ - Các ngành Kinh tế - Kỹ thuật - Bộ KH&CN cho biết: “Đây cũng là thành tựu lớn của ngành khoa học cũng như của ngành y tế. Đối với ngành y tế, đội ngũ cán bộ sẽ được nâng cao trình độ và tiếp cận được phương pháp điều trị mới đạt trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Còn đối với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân được áp dụng biện pháp điều trị mới hiện đại và có tác dụng cải thiện chức năng cũng như vận động, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Thành công của đề tài không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong ngành y tế nước nhà mà còn là niềm hy vọng mới với những em bé không may bị mắc bệnh bại não, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các bậc cha mẹ có con bị mắc bệnh hiểm nghèo, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Lê Dương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét